TTTM: Hà Nội ngàn năm kí ức: Phiên bản 2D: Dành cho lứa tuổi nhi đồng/ Lê Chi b.s.;Nguyễn Việt Hà h.đ.; Minh họa: Cloud Pillow Studio.-H.: Kim Đồng, 2024.-28 tr.: Tranh màu; 24 cm.- (Tủ sách Thăng Long – Hà Nội)
Hà Nội - Thủ đô yêu dấu của chúng ta đã trải qua hơn 1000 năm tuổi. Mỗi năm qua đi, Hà Nội lại khoác lên mình những bộ áo mới. Thủ đô không ngừng biến đổi, với những tòa cao ốc sang trọng và hiện đại, những khu đô thị mới lộng lẫy hiện lên từng ngày. Thế nhưng 36 phố phường vẫn cổ kính, Ba Đình vẫn uy nghiêm, cầu Thê Húc vẫn đỏ rực… Nhân dịp kỉ niệm 70 năm ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024) chúng mình hãy cùng tham quan một vòng những địa danh nổi tiếng của Thăng Long - Hà Nội, khám phá những địa điểm du lịch nổi tiếng của thủ đô mến yêu thông qua cuốn sách “ Hà Nội ngàn năm kí ức” các bạn nhé !
Các bạn biết không? Cuốn sách “Hà Nội ngàn năm kí ức” là cuốn sách hấp dẫn đầu tiên về Hà Nội. Nó là cuốn sách tranh 2D do nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành năm 2024 gồm 27 trang, được in màu trên khổ giấy 20 x 24 cm nhằm đem lại trải nghiệm sống động cho độc giả về cảnh đẹp của Thủ đô ngàn năm văn hiến. Một Hà Nội vừa cổ kính, vừa trầm mặc, vừa oai hùng nhưng cũng rất đỗi bình dị thân quen được tái hiện một cách sống động và hấp dẫn thông qua bàn tay và khối óc của những người yêu Hà Nội.
Tự hào về Thủ đô, mong muốn lưu giữ những ký ức đẹp đẽ nhất, oai hùng nhất, cũng như muốn giới thiệu tới du khách gần xa những địa danh nổi tiếng của Thủ đô, những địa danh đã đi vào lịch sử, đi vào thơ ca. Đó là 11 danh thắng nổi tiếng và rất đỗi quen thuộc đối với người dân Việt Nam nói riêng và du khách nói chung như: Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu Quốc Tử Giám, Nhà hát Lớn, Nhà thờ Lớn, Phố cổ, Hồ Hoàn Kiếm, Cầu Long Biên, Lăng Bác,…
Địa điểm đầu tiên mà cuốn sách giới thiệu đến bạn đọc đó chính là Hoàng thành Thăng Long - kinh đô của nước Đại Việt. Theo sử sách ghi lại, vào mùa thu năm 1010, vị vua đầu tiên của triều Lý là Lý Thái Tổ đã ban chiếu dời đô, chuyển kinh đô từ Hoa Lư về thành Đại La tức Hà Nội ngày nay. Theo “Đại Việt Sử Ký Toàn Thư “lúc triều đình dời đô và tạm đỗ thuyền dưới thành, bỗng có rồng vàng hiện lên nơi thuyền ngự nên vua Lý Thái Tổ đã đặt tên kinh đô là Thăng Long tức rồng bay lên. Kể từ đấy lịch sử nghìn năm kinh đô Thăng Long bắt đầu khai mở.
Địa điểm đến thứ hai đó chúng mình muốn giới thiệu chính là Văn Miếu Quốc Tử Giám biểu tượng của truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo. Nơi đây được vua Lý Thánh Tông thành lập năm 1070 để thờ Khổng Tử cùng các vị tổ đạo nho. Sau đó, Quốc Tử Giám được dựng lên làm nơi dạy học cho hoàng thái tử. Năm 1253, vua Trần Thánh Tông đã đổi Quốc Tử Giám thành Quốc Học Viện và mở rộng việc dạy học cho các con quan và nhân tài giỏi trong cả nước. Từ đó, Quốc Tử Giám trở thành cái nôi tạo ra các bậc hiền tài cho đất Việt và là trường đại học đầu tiên của Việt Nam .
“Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ
Ngày ngày dòng người đi trong thưng nhớ
Kết tràng hoa dâng bảy mươi chin mùa xuân”.
Chắc các bạn cũng biết đoạn thơ trên đang nói đến địa điểm nào rồi nhỉ?
Ngày 2 tháng 9 năm 1969 Chủ tịch Hồ Chí Minh trút hơi thở cuối cùng trong nỗi tiếc thương vô hạn của hàng triệu người dân đất Việt. Thể theo nguyện vọng của đông đảo nhân dân, lăng của chủ tịch Hồ Chí Minh đã được xây dựng ngay tại vị trí lễ đài cũ của quảng trường Ba Đình, cũng chính là nơi Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập năm 1945. Lăng Hồ Chủ tịch bắt đầu mở cửa vào ngày 29 tháng 8 năm 1975 để người dân Việt Nam và du khách thập phương có thể tới thăm viếng, tỏ lòng tôn kính với Người cha già, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc.
Suốt hơn một ngàn năm qua, Hà Nội đã chứng kiến biết bao thăng trầm, đổi thay của vạn vật. Từ đó Thủ đô Hà Nội đã trở thành một nơi lưu giữ kí ức của biết bao thế hệ. Còn rất nhiều địa điểm khác đang chờ các bạn khám phá. Hãy cùng tìm đọc cuốn sách tại thư viện trường để chúng ta thêm hiểu biết, thêm yêu và tự hào về những tinh hoa lịch sử, văn hóa đồ sộ và con người của vùng đất “Đế đô muôn đời”.
Tác giả: Nguyễn Phương Thảo
Thực hiện: CTV Thư viện trường TH Lý Thường Kiệt