GIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 4 NĂM HỌC 2023 - 2024. CUỐN SÁCH: NHẬT KÝ ĐẶNG THÙY TRÂM

       

TTTM: Nhật kí Đặng Thùy Trâm/ Đặng Thùy Trâm; Chỉnh lý: Đặng Kim Trâm; giới thiệu: Vương Trí Nhàn.-H: Hội nhà văn; Công ty Văn hóa & Truyền thông Nhã Nam, 2005.- 322 tr.; 21 cm

         

          Hưởng ứng ngày sách Việt Nam 21/4; Ngày sách và bản quyền thế giới 23/4 và đặc biệt chào mừng kỉ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024) thư viện trường tiểu học Lý Thường Kiệt  xin trân trọng giới thiệu đến các Thầy Cô cùng các bạn học sinh tác phẩm “Nhật Ký Đặng Thùy Trâm”.

           Chủ nhân của cuốn nhật kí không ai khác, chính là liệt sĩ – Bác sĩ Đặng Thùy Trâm. Chị sinh ngày 26 tháng 11 năm 1942 trong một gia đình trí thức ở Hà Nội. Có bố là bác sĩ, mẹ là dược sĩ, chị tốt nghiệp trường đại học Y khoa Hà Nội năm 1966. Ngay lúc đó chị có thể tìm cho mình một công việc tại bệnh viện lớn ở Hà Nội, nhưng với lý tưởng sống đã chọn chị đã xung phong vào miền nam chiến đấu.

           Đặng Thùy Trâm cô sinh viên bé nhỏ

           Khi ra trường không ở lại quê hương

           Mà nghe theo tiếng gọi của chiến trường

           Làm bác sĩ ở giữa nơi khói lửa

           Nhật kí Đặng Thùy Trâm giống như một cuốn phim quay chậm trước mắt chúng ta, bao đau thương mất mát, khó khăn gian khổ tại mặt trận Đức Phổ - Quảng Ngãi, nơi chị đang công tác. Có dễ dàng gì đâu khi bệnh xá luôn căng mình đón từng đợt thương binh từ chiến trường khốc liệt, khó khăn biết bao khi phải chỉ huy cả bệnh xá chống chọi lại những trận càn khủng khiếp của kẻ thù. Những khoảnh khắc đau đớn, xót xa khi chứng kiến những người thương binh, những người đồng đội ra đi trong chính vòng tay của mình.

            Cuốn nhật kí đêm hàng đêm chị viết

            Cứ nghẹn ngào rung động triệu trái tim

            Đức Phổ đó một trạm xá tiền phương

            Những ngày qua bao người đi và ở

            Giặc điên cuống thương binh nhiều vô số

            Lặng lẽ âm thầm chị thức trắng từng đêm

            Bàn tay nhỏ dịu dàng từng mũi tiêm

            Nụ cười tươi hiền hòa như từ mẫu

           Chăm người bệnh như người thân yêu dấu

           Một tấm lòng đầy nhân hậu yêu thương

           Có nhiều khi trăn trở cả canh trường

           Nhìn đồng đội cận kề bên cái chết

           Làm sao đây khi thuốc chưa kịp đến

           Đau xé lòng thêm đồng chí hi sinh

           Những trang nhật kí của chị tấm đẫm tình đồng chí, đồng đội, tình yêu tổ quốc. Những dòng nhật kí ngắn gọn và tha thiết chứa đựng ý chí bất khuất kiên cường của người con gái vốn được sinh ra nơi trốn đô thành vậy mà phải sống trong hoàn cảnh vô cùng gian khổ, khốc liệt nơi mà cái chết và sự hi sinh còn dễ dàng hơn ăn một bữa cơm.

          Trong một trận càn của địch bác sĩ Đặng Thùy Trâm đã cầm súng chống lại 120 tên lính Mĩ để bảo vệ thương binh và rồi chị đã anh dũng hi sinh. Lý tưởng cao đẹp của người cộng sản cháy trong Thùy Trâm vẫn không ngừng tỏa sáng kể cả trong những giây phút cuối cùng của chị. Cuốn nhật kí khép lại vào ngày 20/6/1970, hai ngày sau ngày 22/6/1970 chị đã hi sinh

         “Mẹ ơi con sống, chiến đấu và nghĩ rằng mình sẽ ngã xuống vì ngày mai dân tộc độc lập. Con tự hào vì đã dâng trọn đời mình cho tổ quốc. Tháng 6 năm 1970 quân lính Mĩ tại chiến trường Đức Phổ đã định châm lửa đốt quyển sổ tay được bọc bằng vải thu được sau một trận càn quét. Người thông dịch đã ngăn cản: “Đừng đốt, bản thân nó đã có lửa rồi” những dòng chữ rực lửa trong cuốn nhật kí đã khiến cho FERICH vô cùng xúc động và chính ông là người đã giữ cuốn nhật kí suốt 35 năm và luôn đau đáu một ý nghĩ là phải trả cuốn nhật kí về cho gia đình của nữ bác sĩ. Sau hơn 3 thập kỉ lưu lạc, vào sự kiện kỉ niệm 30 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước ngày 30/4/2005 cuốn sách đã trở về với gia đình liệt sĩ. Cuốn nhật kí đã được xuất bản tại 20 nước với 16 thứ tiếng.

          Tấm gương hi sinh của bác sĩ liệt sĩ Đặng Thùy Trâm đã góp phần tô điểm thêm dấu son chói lọi và truyền thống người phụ nữ Việt Nam anh hùng. Chúng ta được sống trong một thế giới hòa bình như hôm nay chúng ta phải sống sao cho xứng đáng với sự hi sinh của thế hệ cha anh đi trước. Nếu chưa đọc các bạn hãy tìm đọc cuốn sách tại thư viện, hãy đắm mình trong từng dòng tâm trạng của Đặng Thùy Trâm và ta sẽ hiểu đất nước được lớn lên từ những con người như thế để rồi chúng ta trân trọng, biết ơn và sống có ước mơ, hoài bão.

Tác giả: Nguyễn Phương Thảo

Thực hiện: CTV Thư viện Trường TH Lý Thường Kiệt